<html><head></head><body><div class="MyGutenberg" data-settings="eyJ0aGVtZSI6eyJ0ZXh0Q29sb3IiOiIiLCJiZ0NvbG9yIjoiIn19" data-author="bonniss"> <figure class="mg-wide-full" data-blocktype="image"> <img atl="sapo_2.jpg" width="952" height="331" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c86/sapo_2.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <span class="dropcap">M</span>ột buổi chiều đầu tháng 6, Khải Đơn cho ra mắt cuốn sách thứ ba của mình là “Ta có bi quan không?”. Cũng viết về tuổi trẻ như hai cuốn sách đầu tiên là “Đừng tháo xuống nụ cười” (2015) và Sài Gòn thị thành hoang dại (2016) nhưng sự quan tâm của độc giả dành cho cây bút này vẫn không hề “hạ nhiệt”, dù là trời mưa tầm tã và hết chỗ ngồi.<br> &nbsp;<br> Gặp gỡ Khải Đơn ngoài đời thực, quả thật chị là người nhiều năng lượng và nhiệt thành hệt như tưởng tượng của tôi. Chị hẹn và trả lời phỏng vấn không chút mệt mỏi hay bơ phờ nào dù mới vừa đáp chuyến bay công tác từ Hà Nội về. Lúc đó tôi nhớ ra, à trước mặt mình đâu chỉ đơn thuần là một nhà văn viết về tuổi trẻ, chị còn là một nhà báo với sức làm việc, sức sáng tạo đáng nể.</p><p> Trước khi xuất bản sách, Khải Đơn từng là cây bút khá được yêu mến trên các mặt báo uy tín như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Bằng giọng văn sắc sảo, cá tính, vừa góc cạnh vừa chân thực, chị mang đến cho người đọc cái nhìn rộng hơn về những vấn đề được quan tâm như bạo hành, đánh ghen, ấu dâm, các cô gái miền Tây lấy chồng ngoại, tuổi trẻ thụ động… Ngoài ra, Khải Đơn còn có rất nhiều bài viết đáng suy ngẫm trên và được yêu thích trên facebook cá nhân và web riêng.</p><p> Đọc qua những bài viết đó của Khải Đơn, rất nhiều người lầm tưởng đấy là sản phẩm của một người đàn ông trung niên mà không tin được tác giả là nữ và mới chỉ bước qua tuổi 29. Câu chuyện của Khải Đơn, vì thế, không đơn giản là một màu của tuổi trẻ hoang mang như trang sách hay “khô cứng” như cách người ta nhận xét về giọng văn của chị.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="title_1.jpg" width="671" height="181" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c78/title_1.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Chào chị, được biết chị từng là một học sinh giỏi văn thời phổ thông, vậy sao chị không chọn những nghề liên quan đến viết lách khác, như làm nhà văn chẳng hạn, mà lại chọn nghề báo, một nghề khá vất vả đối với phụ nữ?</strong></em></p><p> Thứ nhất là do trước khi chọn trường thi đại học, tôi đã làm một cuộc phân tích chuyện mình sẽ làm nghề gì trong tương lai. Sau khi tham khảo các sách hướng dẫn nghề nghiệp, tôi phát hiện chuyện sẽ có một nghề vừa viết được vừa kiếm sống được đó là nghề báo. Thời điểm đó tôi cũng biết nghề văn khó kiếm sống nếu mình không phải là một người quá giỏi, mà tôi thì biết tự lượng sức mình.</p><p> Thứ hai là tôi cần một nghề để kiếm sống suốt đời. Đó phải là nghề báo.</p><p> Thứ ba là tôi có một số giá trị muốn được thể hiện trong công việc của mình, ví dụ như tôi tin vào sự công bằng chẳng hạn. Đó là cảm giác của tôi ở thời điểm đó và tôi quyết định chọn nghề báo.</p><p> <em><strong>- Vậy đến sau này, ai là người truyền cảm hứng để chi quyết tâm theo đuổi nghề báo?</strong></em></p><p> Một vài nhà báo là thầy dạy của tôi, trong đó có nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải là một trong những người đầu tiên đã dắt tôi vào nghề. Bà là giảng viên dạy môn phỏng vấn của chúng tôi. Trong thời gian còn là sinh viên, tôi rất hay đến nhà bà và được bà dạy cho cách viết một bài báo thế nào, trò chuyện và hiểu biết hơn các công việc thuộc về lĩnh vực báo chí.</p><p> Sau đó lại có nhà văn Võ Đắc Dự, anh là người viết kịch bản truyền hình. Dù không liên quan mấy đến nghề nghiệp của tôi nhưng anh là người dạy tôi cách làm tài liệu. Đó chính là hai người đi theo tôi suốt từ những năm đại học cho tới bây giờ.</p><p> <strong><em>- Chị có thể bật mí tại sao mình chọn bút danh Khải Đơn không?</em></strong></p><p> Tôi sử dụng bút danh này từ năm lớp 11 rồi nên tôi sẽ giữ nó như một bí mật đối với độc giả của mình.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="copy_of_img_27351.jpg" width="5184" height="3456" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c72/copy_of_img_27351.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <strong><em>- Người ta hay nói mỗi lần đọc một cuốn sách là mình được sống một cuộc đời. Nghề làm báo cho chị đi nhiều và tiếp xúc với nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật khác nhau. Vậy chị có sống cùng các nhân vật đó không?</em></strong></p><p> Người ta nói mình đọc một cuốn sách và sau đó mình sẽ sống cuộc đời của nhân vật đó, nhưng làm báo thì không được phép như vậy. Một trong những quy tắc khi làm báo là dù bạn đến với câu chuyện đó, bạn hiểu biết và nghe nhân vật của mình kể rất nhiều nhưng bạn không thể sống hay đi quá sâu vào đời sống của họ. Nếu “lậm” quá vào cảm xúc của họ thì bạn sẽ không còn sự công bằng trong bài viết nữa. Như ban đầu tôi đã nói, tôi viết báo để thực hiện ý niệm của mình về sự công bằng: công bằng với độc giả, với nhân vật, với cả những người ứng xử không tốt với nhân vật của mình nữa. Vì thế tôi chưa bao giờ đặt mình vào cuộc sống của họ mà chỉ ở gần bên họ. Những điều đó cũng mang lại trải nghiệm mà nếu không làm báo tôi sẽ không bao giờ có được.</p><p> <strong><em>- Còn trong quá trình làm nghề, chị có cảm thấy điều gì là khó khăn với một người phụ nữ?</em></strong></p><p> Tôi chưa bao giờ nghĩ mình gặp khó khăn khi làm báo. Tôi cũng không gặp rắc rối nào, kể cả với đồng nghiệp của mình. Những lúc thực hiện các sự vụ tường thuật thời sự thì đồng nghiệp nam còn là những người đã giúp đỡ tôi khá nhiều.</p><p> Thứ nữa là khi công tác ở báo Tuổi Trẻ hay Thanh Niên, tôi ăn mặc như con trai. Sức khỏe của tôi ở thời điểm đó rất tốt. Tôi thấy một số đồng nghiệp nữ không tiếp tục theo đuổi nghề báo vì vấn đề sức khỏe. Còn lại thì nữ làm báo không có vấn đề gì. Tôi còn biết những nhà báo nữ với tính nhạy cảm với các đề tài liên quan tới nữ tính, sức bền tốt, làm việc tỉ mỉ và chi tiết… Vì vậy tôi nghĩ làm phụ nữ cũng là một ưu thế trong nghề báo.</p><p> <em><strong>- Chị nghĩ có khi nào bản tính “nhạy cảm” của phụ nữ sẽ gây ảnh hưởng tới ngòi bút không?</strong></em></p><p> Tính “nhạy cảm” có ảnh hưởng tới công việc nhưng phụ nữ làm báo lâu rồi thì họ sẽ biết điều phối chuyện này thế nào trên mặt báo. Một số trường hợp nữ nhà báo họ gặp hoàn cảnh nhân vật quá bất trắc, khó khăn thì khi đối diện với những câu chuyện bị tổn thương… họ không bình tĩnh được, bị xúc động mạnh. Có thể coi đó là một trong những nhược điểm của nữ giới khi làm báo. Nhưng có khác gì đâu, đồng nghiệp nam&nbsp; cũng từng lâm vào trường hợp như vậy nhiều. Chúng ta là con người mà.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="quote_1_0.jpg" width="1000" height="583" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c7e/quote_1_0.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Bản thân chị có từng lâm vào trường hơp khó xử như thế?</strong></em></p><p> Đó là một vài sự việc khi tôi thực hiện các phóng sự dài kỳ. Tôi từng phỏng vấn khoảng 10 nữ nhân vật bị nhiễm HIV từ chồng. Họ không biết làm sao xoay sở với cuộc sống của mình ở thời điểm mà HIV còn là câu chuyện rất bảo thủ ở Việt Nam. Việc gặp những phụ nữ đó liên tục cùng với hoàn cảnh trớ trêu của họ khiến tôi khó chịu trong một thời gian dài.</p><p> Hay trường hợp khác, lúc tôi làm các đề tài về ấu dâm ở miền Tây nam bộ, nơi những kẻ gây tội ác thì không bị trừng phạt còn nạn nhân lại phải sống suốt đời với ký ức đã xảy ra với mình. Chuyện đó thực sự khiến tôi tổn thương.</p><p> <em><strong>- Lúc đó chị đã làm gì để giải quyết những “tổn thương” và khó chịu trong mình?</strong></em></p><p> Tôi học được một điều đó là mình không thể giải quyết hết mọi thứ trong cuộc sống và phải chấp nhận rằng nó sẽ diễn ra như thế. Khi mình biết chấp nhận đồng nghĩa với việc mình sẽ tiếp tục bước về phía trước và làm những chuyện cần thiết. Còn nếu mình dừng lại quá lâu, tổn thương quá nhiều rồi bỏ nghề thì sẽ không còn ai được giúp đỡ, không còn câu chuyện nào được đưa lên báo nữa.</p><p> <em><strong>- Chị từng chia sẻ mình đi xuyên Việt suốt 45 ngày chỉ để cải thiện kỹ năng phỏng vấn của mình, chị có thể chia sẻ cụ thể hơn được không?</strong></em></p><p> Lúc đi làm báo, tôi phát hiện ra một chuyện là mình không biết cách phỏng vấn, không biết nói chuyện với người lạ. Nếu có một sự việc xảy ra giữa đường và cần hỏi người dân thì tôi không dám hỏi ai vì rất sợ. Sợ bị từ chối là nỗi sợ lớn nhất của tôi. Tôi thấy chuyện này đúng là một vấn đề nghiêm trọng nếu tôi làm báo.</p><p> Lúc đó, tôi nghĩ mình nên làm gì đó để biết bắt chuyện với người khác. Vừa lúc nghỉ hè và có 1.5 triệu tiền dạy thêm, tôi và bạn mình đã lên đường đạp xe từ Nam ra Bắc. Khoảng thời gian đó rất vui. Vì là mùa hè nên các bạn cùng lớp cũng về quê hết nên chúng tôi đã ghé thăm nhà từng đứa một ở miền Trung.</p><p> Chuyến đi đó ngoài việc dạy tôi biết cách bắt chuyện mà còn cho tôi cảm giác mình có một người bạn, một người mình hoàn toàn tin tưởng và trao mạng sống của mình vào tay họ. Sau này tôi nhận ra may mắn đấy còn quan trọng hơn việc mình có người yêu và khiến toàn bộ cuộc sống của bạn thay đổi, chất lượng hơn.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="khai_don_ra_mat_sach-24.jpg" width="1000" height="666" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c80/khai_don_ra_mat_sach_24.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em>Khải Đơn ký tặng độc giả trong buổi ra mắt cuốn sách thứ ba mang tên "Ta có bi quan không?"</em></p><p> <em><strong>- Làm báo từ năm 2008 đến nay, câu chuyện nào khiến chị ấn tượng và nhớ nhiều nhất?</strong></em></p><p> Tôi vẫn nhớ câu chuyện về các em bé bị xâm hại ở miền Tây nam bộ. Tôi nhớ không phải vì hoàn cảnh của họ, bởi các nhân vật ấy đều có cách vượt qua nhưng tôi thấy vấn đề trong luật có nhiều điều chưa thể bảo vệ được nạn nhân. Tức là thật khó để chứng minh một người đã bị hiếp dâm thế nào nhưng lại rất dễ cho kẻ gây ra chuyện đó chạy thoát.</p><p> Thậm chí có chuyện, người nhà của người gây án mang 30 triệu đến nhà cô bé kia và yêu cầu người mẹ đừng tiếp tục kiện nữa. Một chuyện vô cùng bất nhẫn và đã khiến tôi rất giận dữ ở thời điểm đó.</p><p> <em><strong>- Vậy lúc đó chị cảm thấy mình bất lực với ngòi bút của mình không?</strong></em></p><p> Trong cuộc sống sẽ có nhiều chuyện bất lực xảy ra với bạn. Sau này khi hướng dẫn các em sinh viên là bạn tôi, tôi nói là em phải chấp nhận sự thật là em không phải viết báo để cứu thế giới, em không làm được chuyện đó. Khi ta trẻ ta thường nghĩ nhầm lẫn như thế. Điều duy nhất em làm được là cố gắng đưa thông tin đến người đọc một cách tốt nhất mà thôi.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="title_2.jpg" width="671" height="181" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c7c/title_2.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Một điểm thú vị là các bài viết của chị dù trên báo, facebook cá nhân hay trong sách đều nói rất nhiều về tuổi trẻ. Tại sao chị lại chọn đề tài đó?</strong></em></p><p> Tôi chọn viết về tuổi trẻ, thứ nhất là tôi chỉ mới 29 tuổi thôi, vẫn còn trong giai đoạn “trẻ”. Mà tôi thì thường hay viết về những vấn đề liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Đó cũng là cách tôi tập viết trong những lúc rảnh rỗi.</p><p> Thứ hai là tôi quen những người bạn cũng đang ở trong độ tuổi đó và những câu chuyện của họ liên tục va đập vào mình. Đồng thời tôi cũng quan sát hành động của mình thế nào đối với những chuyện sai, chuyện kỳ cục găp phải khi mình lớn lên. Tôi đối chiếu những trải nghiệm đó và viết ra, hi vọng sẽ có ích với ai đó.</p><p> <em><strong>- Chị từng nói rằng tuổi trẻ là quý giá nhất, nhưng một phát biểu khác chị lại nói tuổi trẻ có thể hủy hoại một người. Hai nhận xét này của chị có mâu thuẫn với nhau không?</strong></em></p><p> Hai điều này không mâu thuẫn với nhau. Tuổi trẻ giá trị nhất vì từ khoảng 23 tuổi đến 28 tuổi một người sẽ có sức sáng tạo tốt nhất, học nhanh, nhớ nhanh. Vì vậy bạn cần phải tối ưu hóa tất cả những gì mình học được, bạn sẽ vượt trội hơn những người khác. Ngoài ra, cảm xúc bạn nạp vào cũng vô cùng tốt và tươi mới. Còn nữa, khi trẻ, bạn không có định kiến ác hay nghĩ xấu về người khác, cũng không nghĩ xấu về hành vi mình làm.</p><p> Bên cạnh đó, tuổi trẻ cũng dễ hủy hoại mình vì nếu một hành vi sai được chỉ dẫn thì bạn sẽ đi theo nó luôn. Tôi lấy ví dụ một vài người bạn tôi khi bước vào nghề giáo, họ nói với tôi rằng không thể chịu đựng được công việc. Họ nhìn thấy những học sinh ở quê bỏ học nhiều và họ muốn thuyết phục các em trở lại lớp học. Thế nhưng hiệu trưởng lại nói thành tích học tập xấu của các em sẽ ảnh hưởng tới thành tích thi đua chung của trường nên thôi nghỉ đi còn tốt hơn. Bạn tôi đã rất trăn trở và đau đớn về chuyện đó. Tôi đặt giả định nếu như bạn không đấu tranh được với vấn đề ấy, bạn sẽ rơi vào tình trạng bất đắc chí. Những ví dụ như vậy tôi nhìn thấy ở bạn bè tôi, bản thân tôi cũng bị, và điều đó có thể bẻ gãy toàn bộ chuỗi giá trị của mình rồi làm mình đi sai hướng.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="copy_of_khaidon_3.jpg" width="1000" height="767" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c74/copy_of_khaidon_3.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Tới giờ chị còn cảm thấy hoang mang hay gặp khủng hoảng với tuổi trẻ của mình không?</strong></em></p><p> Năm vừa rồi tôi đã chỉnh đốn lại toàn bộ cuộc sống và suy nghĩ xem mình làm gì, muốn gì cho tương lai, thích trở thành một người thế nào. Thế nên giờ tôi không cảm thấy khủng hoảng gì hết mà rất thoải mái.</p><p> <em><strong>- Nhiều người nghĩ rằng, những người trẻ khi được gia đình bảo bọc quá kỹ thì bước ra đời dễ va vấp, hoang mang. Bản thân chị thì có rơi vào trường hợp đó không?</strong></em></p><p> Gia đình tôi không giàu có nhưng từ lúc lên đại học, tôi chưa bao giờ phải đi làm kiếm sống. Ví dụ nếu tôi thích, tôi sẽ chơi cả năm trời và mẹ tôi sẽ đưa tiền cho tôi xài, chỉ cần tôi đến trường học đầy đủ. Một ưu điểm nữa là bố mẹ tôi cũng không lo lắng nếu tôi đi làm. Đến năm hai đại học, tôi bắt đầu đi dạy thêm môn Văn thi ba mẹ hỏi hết tiền sao mà đi làm. Tôi chỉ nói rằng mình thích vậy thôi.</p><p> Đỉnh cao là cuối năm hai, tôi nghỉ học để đi viết báo nên đến năm ba, tôi phải thi lại tới 6 môn. Mẹ biết chuyện thì chỉ nói, đó là tương lai và lựa chọn của con, con muốn làm gì thì làm. Cuối cùng tôi nhận ra, đó là năm cực kỳ quý giá vì tôi đã học được rất nhiều thứ trong nghề. Tôi được làm gần như tất cả những điều mình muốn chứ không có sự bảo bọc quá đáng từ gia đình.</p><p> <em><strong>- Vậy thì những điều hoang mang, xung đột trong các bài viết của chị xuất phát từ đâu?</strong></em></p><p> Xung đột là chuyện xảy ra rất nhiều với các bạn của tôi. Vì dụ chuyện đi học đại học không theo ý mình hay có những người đi làm rồi lại bỏ việc, đi học lại từ đầu vì cái nghề mình không thích. Lớp tôi có gần hai ba chục bạn từng trả lời cô giáo rằng mình nói dối gia đình để được đi học nghề báo, vì nhà không ai thích bạn làm nghề báo cả. Những chuyện như thế xảy ra nhiều đến mức đó, và tôi nhận ra nó.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="quote_2_1.jpg" width="1000" height="680" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c76/quote_2_1.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Có người nhận xét giọng văn của chị là của “một người đàn ông trung niên” viết về tuổi trẻ. Chị nghĩ thế nào về nhận xét này?</strong></em></p><p> Tôi không biết nữa (cười). Khi tôi bước chân vào nghề báo lúc 22 tuổi, tôi đã viết nhiều và cũng có xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ. Có lần tôi đi viết về xung đột biên giới Thái Lan – Campuchia, tôi có chụp hình chung với một anh lính. Sau này tấm ảnh ảnh đó được lên báo, các bạn đọc của tôi đều nói “anh Khải Đơn” là môt người đàn ông ba mươi mấy tuổi.</p><p> Sau này, tôi phát hiện ra rằng giọng văn của mình hơi cứng. Tôi xác định rất rõ giọng văn khi viết và tôi muốn mình viết một cách thẳng thừng. Mà mọi người thì cứ nghĩ tính cách thẳng thừng thì là một người đàn ông, vậy thôi. Tôi rất thích điều đó và cũng thích cách người ta nhầm lẫn như vậy.</p><p> <em><strong>- Trên thị trường có rất nhiều sách cũng viết về đề tài tuổi trẻ. Chị nghĩ các cuốn sách, bài viết của mình khác họ ở điều gì?</strong></em></p><p> Khác biệt ở chỗ, tôi không làm cho tuổi trẻ tươi hay hồng lên. Tôi cố gắng đối diện với những vấn đề của mình: những chuyện không chấp nhận được trong tình yêu, tình bạn, nghề nghiệp… là những thứ tôi không muốn giấu giếm mà muốn thẳng thừng với nó. Tôi không viết một cách máy móc hay chỉ ra phương pháp nhưng thể hiện ra cảm giác của mình, cảm giác của nhân vật khi họ đối diện với các vấn đề rồi cho độc giả tự chọn điều mình muốn làm. Đó là điều tôi nghĩ mình đã làm khác đi.</p><p> <em><strong>- Chị có nghĩ những điều mình viết về tuổi trẻ bây giờ, rồi sẽ trở nên lỗi thời với chính người trẻ?</strong></em></p><p> Làm nghề báo, bạn sẽ biết bài viết của mình sẽ lỗi thời chỉ sau hai ngày. Tôi chấp nhận điều đó từ khi bắt đầu nghề nghiệp và cũng chấp nhận tác phẩm của mình rồi sẽ lỗi thời. Chỉ là tôi bàn luận về một vấn đề với trí tuệ và hiêu biết của mình ở thời điểm đó mà thôi. Vẫn có những bài viết sau này tôi đọc lại bỗng thấy nó ngô nghê nhưng bạn đọc chính là những người đã giúp tôi lớn lên rất nhiều bằng những tranh luận, thảo luận rất thẳng thắn.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="khai_don_ra_mat_sach-14.jpg" width="1000" height="666" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c84/khai_don_ra_mat_sach_14.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em>Những câu chuyện về tuổi trẻ do Khải Đơn viết vẫn chưa bao giờ hết "hot" với độc giả</em></p><p> <em><strong>- Điều chị trăn trở nhiều khi viết về tuổi trẻ là sự thiện ác trong mỗi người. Vậy chị nghĩ thế nào về việc dùng facebook của người trẻ hiện nay, nó có định hướng hay ảnh hưởng đến sự thiện ác của họ không?</strong></em></p><p> Tôi lấy ví dụ nếu mình nhìn thấy một chậu hoa thì nó là một chậu hoa, nhưng nếu mình chụp tấm hình thì nó không có gì ngoài tấm hình đó cả. Những thứ như đằng sau chậu hoa, đất bên trong chậu, trên lá cây đó có gì… thì lại không có trong một tấm hình. Facebook cũng giống như tấm hình vậy, mọi thứ chỉ là hình ảnh và không cho ta thông tin đầy đủ. Nếu bạn nhầm lẫn hình ảnh đó là một cái cây, và nói rộng hơn là nhầm lẫn&nbsp; cả cuộc đời là một tấm hình thì đó là sự lầm lạc vô cùng lớn.</p><p> Tôi không đánh giá một công cụ, đặc biệt là công cụ công nghệ thông tin là tốt hay xấu. Tôi cũng không đánh giá việc Facebook sẽ làm người ta ác đi hay thiện lên. Giống như ngày xưa mọi người nói rằng chat trên yahoo là nhảm nhí, tốn thời giờ, mất tiền bạc của cha mẹ… nhưng đó là do chúng ta không hiểu biết toàn vẹn về một công cụ mà sử dụng nó theo giới hạn hiểu biết của mình. Khi cần biết điều gì thì Facebook là nơi hữu ích để tôi lấy được thông tin ban đầu, sau đó tôi bước ra ngoài và gặp gỡ, trò chuyện với nhân vật của mình.</p><p> <em><strong>- Còn những cuốn sách sau này, chị có còn muốn viết về tuổi trẻ nữa không?</strong></em></p><p> Tôi nghĩ là không. Trong cuốn sách sắp tới, tôi đang làm một chủ đề khác. Khi nào cuốn sách đó ra mắt thì bạn đọc sẽ biết thôi.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="title_3.jpg" width="671" height="181" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c88/title_3.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Chị cũng có những bài viết khá thú vị về tình yêu. Những câu chuyện đó thường xuất phát từ trải nghiệm của bản thân chị hay là bạn bè xung quanh?</strong></em></p><p> Những câu chuyện đó hầu hết là trải nghiệm cá nhân chứ tôi không viết truyện tình yêu.</p><p> <em><strong>- Khi đặt bút xuống, chị đưa góc nhìn nào về tình yêu tới cho độc giả?</strong></em></p><p> Tôi không thực sự chọn góc nhìn vì thời điểm tôi viết bài đó là lúc cảm xúc của tôi liên quan trực tiếp tới người bạn của mình. Tôi coi viết giống như việc mình ăn uống thôi, nên mỗi lần có cảm xúc là tôi sẽ ngồi viết. Tôi chọn những đoạn đủ tốt và có ích với độc giả của mình, những thứ còn lại tôi giữ lại làm của riêng. Còn những bài viết của tôi không có quá nhiều vỏ bọc hay từ ngữ đẹp là vì tôi không phải người chủ tâm trong tình yêu. Tôi không làm được chuyện đó.</p><p> <em><strong>- Nếu không là người chủ tâm trong tình yêu, vậy chị là tuýp người thế nào trong tình yêu, có dễ thương như bài viết “Xá gì một lời tỏ tình ngu ngốc” trong cuốn sách đầu tiên của chị không?</strong></em></p><p> Tôi không dễ thương như vậy nhưng tôi là người nếu thích ai tôi sẽ “cưa” bằng được người đó. Những người từng là người yêu của tôi, sau này là bạn, thì nói rằng ở bên tôi rất vui vẻ nhưng để sống với tôi thì rất mệt mỏi. Tôi cũng chấp nhận chuyện đó nên tôi “tha tội” cho họ, để họ bay đi (cười). Tôi không hợp lắm với cuộc sống gắn bó với một người quá lâu, nên thường không chủ tâm tiến xa hơn.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="copy_of_img_2771.jpg" width="1000" height="666" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c7a/copy_of_img_2771.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Biết vậy nhưng chị có nhận ra mình còn một tình yêu khá đặc biệt đối với Sài Gòn không, dù chị không phải người sinh ra và lớn lên ở đây?</strong></em></p><p> Tôi từng làm việc ở rất nhiều thành phố khác nhau, có những nơi tôi ở lại rất lâu. Đô thị thì giống nhau ở chỗ nó đều có những ngôi nhà, nhiều cao ốc, cửa hàng giống hệt nhau… nhưng mỗi thành phố đều có một linh hồn vì những con người sống ở đó. Mà Sài Gòn đặc biệt với tôi là vì Sài Gòn có trí thức, đó là điều giá trị nhất mà tôi học được ở đây. Có người kể tôi nghe rằng ông làm nhiếp ảnh phim và đã tìm cách tối ưu hóa cuộn phim bằng cách cắt từng lóng phim ra trong những năm tháng nghèo khó sau 1975. Lại có những người đọc sách rất nhiều và dạy cho tôi phương pháp đọc sách. Có những người sống rất phóng khoáng và lương thiện đến mức mình cảm thấy đau lòng vì sự lương thiện của họ…</p><p> Tất cả những điều trên đã trấn an được tôi. Tôi biết, đô thị phát triển thì con người càng độc ác, Sài Gòn cũng vậy và tôi thấy điều ấy rất rõ. Nhưng vì những con người kể trên mà khi đi khỏi thành phố này, tôi nhớ nó khủng khiếp.</p><p> <em><strong>- Chị có dự định gắn bó lâu với Sài Gòn không?</strong></em></p><p> Không. Tôi không nghĩ là tôi sẽ ở đây lâu. Sài Gòn giống như một người yêu vậy, lâu lâu gặp, đến thương yêu nhau thì hạnh phúc, ở suốt đời tôi sẽ không ở.</p><p> <em><strong>- Chị từng công tác ở Bangkok hơn một năm thì khi trở về, cảm xúc của chị với Sài Gòn có còn vẹn nguyên không?</strong></em></p><p> Nó khác đi rồi. Ngày xưa khi nói về Sài Gòn thì điều đầu tiên tôi muốn nói là sự lương thiện, phóng khoáng chứ không phải trí thức. Khi tôi đến Bangkok tôi thấy Bangkok hiền hòa, lương thiện hơn. Con người ở đó rất thư giãn, sẵn sàng giúp đỡ mọi thứ kể cả những động vật hoang trên phố. Giúp đỡ con người cũng vậy, có một người ăn xin nằm ngủ ở ghế đợi tàu thì sẽ có người này mua chai nước, người kia mua bữa ăn ở cửa hàng tiện lợi rồi đặt lên ghế. Vậy là ông ấy đã có được bữa tối ngon lành. Bangkok là vậy, còn Sài Gòn mình chưa đến mức đó.</p><p> Nhưng khi tôi nhìn lại tất cả hay bắt đầu so sánh, tôi nhận ra Sài Gòn là nơi rất có trí thức nên tôi vẫn yêu quý nó theo một cách rất riêng.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="quote_3_1.jpg" width="1000" height="588" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c82/quote_3_1.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Quay lại chuyện công việc, hiện tại chị còn làm báo không?</strong></em></p><p> Tôi làm các công việc khác cũng liên quan tới báo chí và viết sách.</p><p> <em><strong>- Giờ không ràng buộc bởi công việc cố định, chị có thưởng cho mình chuyến rong chơi nào không?</strong></em></p><p> Bạn bè tôi hay hỏi “tới tuổi này rồi sao cậu chưa lập gia đình”, “sao chưa có con”, “cậu đi chơi nhiều vậy rồi” hay “có lẽ nó còn như vậy lâu lắm”… (cười). Vì đó là cách tôi sống chứ không đơn thuần là rong chơi. Tôi muốn mình được di chuyển nhiều, thay đổi chỗ ở, thay đổi trải nghiệm chứ không phải chỉ rong chơi. Phần lớn bạn bè tôi đều biết thời gian tôi ngồi làm việc còn nhiều hơn là đi chơi mà.</p><p> <em><strong>- Nhìn lại quãng thời gian tuổi trẻ, chị thấy điều gì vui nhất và hối tiếc nhất?</strong></em></p><p> Điều vui nhất là mình đã học một cách xứng đáng trong suốt giai đoạn mình có thể học được nhiều nhất. Thời điểm này đây, tôi bắt đầu thấy khó khăn khi học tập vì đã có định kiến, có chọn lựa trong việc tìm một người thầy mới. Trước kia thì tôi đã cố gắng tối ưu hóa mọi thứ. Điều đó thực sự rất hạnh phúc.</p><p> Tôi không hối tiếc điều gì về quãng thời gian tuổi trẻ của mình vì nếu tiếc sẽ phải tiếc cả đời mất.</p></div> <figure class="mg-wide-medium" data-blocktype="image"> <img atl="11.jpg" width="960" height="640" data-src="https://www.phunu8.vn/image/phunu8/all/63b530e4a89020d265289c8a/11.webp"> </figure> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> <em><strong>- Chị có thể chia sẻ dự định trong tương lai của mình với độc giả của Phunu8.vn?</strong></em></p><p> Tôi muốn mình trở thành một người viết và chuyên tâm viết sách. Tôi không đi làm cố định ở đâu cả mà ở nhà và làm những dự án tôi nghĩ là quan trọng. Bởi vì tôi đã 29 tuổi rồi, tôi phải làm gì với cuộc đời mình chứ.</p><p> <em><strong>Cám ơn những chia sẻ rất thẳng thắn và thú vị của chị với Phunu8.vn. Chúc chị gặt hái thành công với những gì mình đã chọn!</strong></em></p></div> <div class="mg-wide-medium aspect-ratio-container with-ratio-169" data-blocktype="video"> <iframe class="aspect-ratio-frame" src="https://www.youtube.com/embed/sWzJy1uk1B4" title="" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen=""></iframe> </div> <div class="mg-wide-small margin-y-md " data-blocktype="richtext"><p> Bài viết: <strong>Tuyết Trinh</strong></p><p> Thiết kế: <strong>Mindubi</strong></p><p> Quay dựng: <strong>Xuân Dũng</strong></p><p> Ảnh: <strong>Nhân vật cung cấp</strong></p></div> </div> </body></html>